Nước Nga để lại một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam: Dấu ấn Đồng hồ Liên Xô.
Ai đã từng một lần đặt chân đến đất nước Nga chắc hẳn đều lưu giữ những kỷ niệm tươi đẹp không phai mờ cùng năm tháng.
Đó có thể là ký ức về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò, tình đồng nghiệp hay đơn giản chỉ là những cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên.
Đó là khi ta ngắm cánh đồng hoa nở hay một chiều ngoại ô thanh bình.
Đó là suy tư khi đứng trước cánh đồng lúa mì trải dài mênh mông hay thả bước trong chiều rừng bạch dương bát ngát.
Đó là khi lắng nghe mùa xuân tới, tuyết tan dần hay khi nghe tiếng bước chân ai dạo trên thảm lá vàng xào xạc lúc thu về.
Đó là cảm xúc thưởng thức những tác phẩm văn thơ, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc hay hội họa về nước Nga với cây sồi cổ thụ, cỗ xe tam mã băng qua trong chiều đông sương giá, cung điện, tòa thành, dòng sông và chiếc cầu cổ kính, đêm trắng huyền ảo lung linh…
Đó là tất cả những gì thuộc về nước Nga – xứ sở Bạch Dương, nơi hàng triệu người Việt Nam từng có duyên nợ luôn nhắc tới với tình yêu, nỗi nhớ, lòng biết ơn, sự mến phục như với người thân.
Dấu ấn Đồng hồ Liên Xô
Đặc biệt, nước Nga để lại một dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm trí nhiều thế hệ người Việt Nam: Dấu ấn Đồng hồ Liên Xô.
Hiện nay, rất nhiều loại đồng hồ cơ Liên Xô thu hút sự quan tâm của các nhà sưu tập cũng như những người đam mê nghiệp dư. Điển hình phải kể đến dòng đồng hồ Poljot rất được người Việt ngưỡng mộ.
Mẫu được nhiều người tìm mua là loại Poljot De luxe, 23 chân kính chống sốc, máy 2209 cực mỏng chỉ 8mm, vỏ mạ vàng 20 micrô. Nhiều chi tiết cơ trong đồng hồ cũng mạ vàng.
Poljot De luxe mặt Atom được xem là rất hiếm vào thời điểm hiện nay. Những chiếc đồng hồ này thời Liên Xô có giá bằng cả một chiếc tủ lạnh hay xe máy. Chính vì vậy người Xô viết thường mua tặng người thân và khắc vào mặt sau đồng hồ.
Người sưu tập cũng rất quan tâm đến đồng hồ chế tạo cho quân nhân, phi công, các nhà du hành vũ trụ và thủy thủ Liên Xô. Nhà sản xuất đã đầu tư rất nhiều thời gian và nỗ lực cho dòng đồng hồ này. Loại đồng hồ “quân đội” chủ yếu là thương hiệu Vostok với kích thước lớn, trông hầm hố, vỏ làm bằng thép không gỉ, chống thấm nước ở độ sâu 50m – 200m.
Những chiếc đồng hồ Liên Xô này thu hút sự quan tâm của những nhà sưu tập chuyên nghiệp lẫn những tay chơi nghiệp dư
Đồng hồ – Hoài niệm Liên Xô
Trong thế giới vô cùng đa dạng và phong phú của đồng hồ Liên Xô, có người sưu tập đồng hồ theo thương hiệu, theo các serie kỷ niệm những ngày lễ trọng đại, có người lại sưu tập theo phong cách hình thù, thiết kế mặt đồng hồ…
Một thời, những Poljot, Slava, Raketa, Vostok, Zaria, Luch, Pobeda, Chaika… là niềm mơ ước của không biết bao người. Đồng hồ Liên Xô phổ biến ở Việt Nam tới mức, có thời ngay tại Cửa Nam (Hà Nội), người ta đã mở hẳn một “Trạm bảo dưỡng đồng hồ Liên Xô”.
Mới đây, đồng hồ Liên Xô đã có dịp sống lại trong không khí chào mừng 71 năm chiến thắng phát xít, khi những người bạn – đã từng sống và làm việc tại nước Nga thuộc nhóm Hoài niệm Liên Xô – yêu thích sưu tầm đồng hồ Liên Xô gặp mặt giao lưu với chủ đề “Đồng hồ Liên Xô và những người bạn”.
Tại buổi giao lưu, những người có chung niềm đam mê đồng hồ Liên Xô đã cùng trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sưu tầm cũng như cách bảo quản, sử dụng.
Đây là sự kiện quan trọng ghi dấu ấn mới cho người chơi và sưu tập Đồng hồ Liên Xô, thể hiện sự gắn kết chia sẻ thúc đẩy mối quan hệ nhằm tiến tới sự kiện Triển lãm đồng hồ Liên Xô vào ngày 27/9/2016.
Những hình ảnh được ghi lại trong buổi giao lưu “Đồng hồ Liên Xô và những người bạn”.